Ngày 22/7/2020, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh (Trung tâm KĐCLGD-ĐHV) phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Đại học định hướng đổi mới sáng tạo - quản trị chiến lược và phát triển thương hiệu”. Đây là chủ đề đang được các nhà khoa học, các chuyên gia về quản trị đại học và các cơ sở giáo dục rất quan tâm trong thời điểm hiện nay.

            Hội nghị vinh dự được đón GS. TS. Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giảng viên cao cấp, Tổ trưởng Tổ Tư vấn - Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục của Chính phủ đến dự và trực tiếp báo cáo.



GS. Nguyễn Hữu Đức trình bày báo cáo tại Hội nghị


            Tham dự Hội nghị, về phí Trường Đại học Vinh có GS. TS. Nguyễn Huy Bằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; GS. TS. Đinh Xuân Khoa - Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng; các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và Trưởng các đơn vị của Trường Đại học Vinh. Về phía Trung tâm KĐCLGD-ĐHV có TS. Trần Đình Quang - Giám đốc và các đồng chí là lãnh đạo, chuyên viên các phòng nghiệp vụ của Trung tâm. Đặc biệt, cùng tham dự Hội nghị  có 08 Đoàn công tác do Lãnh đạo các cơ sở giáo dục dẫn đầu đến từ Trường Đại học Hoa Lư, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Việt - Đức và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.



GS. TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu tại Hội nghị




Đại biểu tham dự Hội nghị


            Trình bày báo cáo tại Hội nghị, GS. TS. Nguyễn Hữu Đức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Mô hình đại học đổi mới sáng tạo và sự cần thiết của việc áp dụng mô hình này vào thực tiễn hoạt động của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Đại học đổi mới sáng tạo sẽ làm thay đổi cách thức vận hành của các cơ sở giáo dục đại học, thay đổi tư duy của các nhà quản trị, thay đổi phương thức đào tạo truyền thống của Mô hình giáo dục đại học thế hệ thứ 2 (2G) để tiếp cận và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đại học đổi mới sáng tạo sẽ cho ra đời những sản phẩm là nguồn nhân lực có khả năng tạo ra của cải cho xã hội, thúc đẩy sự thịnh vượng của Quốc gia và đặc biệt là sở hữu năng lực đổi mới, năng lực sáng tạo và năng lực khởi nghiệp.

            Với quan điểm “Đổi mới giáo dục đại học không phải chỉ nỗ lực để thoát khỏi đại học từ chương mà để phát triển các đại học nghiên cứu non trẻ thành đại học đổi mới sáng tạo”, GS. TS. Nguyễn Hữu Đức đã thổi bùng ngọn lửa tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; truyền cho Lãnh đạo các cơ sở giáo dục một cảm hứng, một cách nhìn nhận mới về quản trị chiến lược, quản trị thương hiệu và quản trị sự thích ứng để bắt kịp và đáp ứng xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới.

       Cũng tại Hội nghị, GS. TS. Nguyễn Hữu Đức cũng đã giới thiệu hệ thống UPM (University Performance Metrics) - hệ thống đối sánh chất lượng cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam do nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN sáng lập. Ngoài các tiêu chí cơ bản về đào tạo và nghiên cứu, UPM quan tâm đến cả quản trị chiến lược, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các yếu tố của đại học thông minh và chuyển đổi số, mức độ quốc tế hóa và phát triển bền vững theo tiếp cận kiểm định chất lượng và xếp hạng gắn sao; hỗ trợ đối sánh và nhận diện chất lượng đại học một cách toàn diện. Thông qua việc thu thập số liệu và phân tích các hoạt động một cách độc lập theo bộ tiêu chuẩn UPM, cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) được đánh giá đạt chuẩn chất lượng và gắn sao theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng.



GS. Nguyễn Hữu Đức giới thiệu Hệ thống UPM


Bên cạnh việc đảm bảo sự hội nhập quốc tế trong việc đánh giá các chức năng cơ bản về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, UPM gắn sao còn mong muốn đánh giá mức độ thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng lần thứ tư (CMCN 4.0) và hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Các CSGDĐH có thể có định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng, nhưng tất cả đều phải quan tâm đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đến các đặc trưng của đại học thông minh và mức độ quốc tế hóa tương thích với sứ mệnh của mình.

        Bộ tiêu chuẩn xếp hạng gắn sao UPM có 8 nhóm tiêu chuẩn và 54 tiêu chí. Mỗi tiêu chí có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1000 điểm.

- Tiêu chuẩn 1: Quản trị chiến lược - 5 tiêu chí, trọng số 6%.

- Tiêu chuẩn 2: Đào tạo - 15 tiêu chí, trọng số 35%.

- Tiêu chuẩn 3: Nghiên cứu - 4 tiêu chí, trọng số 20%.

- Tiêu chuẩn 4: Đổi mới sáng tạo - 4 tiêu chí, trọng số 11%.

- Tiêu chuẩn 5: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - 4 tiêu chí, trọng số 6%.

- Tiêu chuẩn 6: CNTT và tài nguyên số -10 tiêu chí, trọng số 10%.

- Tiêu chuẩn 7: Mức độ quốc tế hóa - 9 tiêu chí, trọng số 6%.

- Tiêu chuẩn 8: Phục vụ cộng đồng - 3 tiêu chí, trọng số 6%.


Bộ tiêu chuẩn của Hệ thống UPM


        Bộ tiêu chuẩn gần như bao quát các hoạt động (có thể đo lường và thu thập dữ liệu được) của trường đại học. Lần lượt từng tiêu chí, đến từng lĩnh vực (nhóm tiêu chí) đều được đối sánh và gắn sao, do vậy, xếp hạng này ngoài việc giúp nhận diện tổng thể, có thể phân tích đến từng lĩnh vực, từng hoạt động của một CSGDĐH.